Tài khoản 131 là gì? Nguyên tắc kế toán tài khoản 131 được quy định thế nào? Đây là những thắc mắc của nhiều bạn mới tiếp xúc và làm quen với chế độ kế toán doanh nghiệp. Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Xem thêm: Thuế VAT là gì? Những điều cần biết về thuế giá trị gia tăng
1. Tài khoản 131 là gì?
Theo quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC thì tài khoản 131 là tài khoản phải thu của khách hàng: Dùng để phản ánh các khoản nợ phải thu và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp với khách hàng về tiền bán sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư, tài sản cố định, các khoản đầu tư tài chính, cung cấp dịch vụ. Nó còn dùng để phản ánh các khoản phải thu của người nhận thầu XDCB với người giao thầu về khối lượng công tác XDCB đã hoàn thành.
2. Nguyên tắc kế toán tài khoản 131
Theo khoản 1 Điều 18 Thông tư 200/2014/TT-BTC khi hạch toán tài khoản 131 (tài khoản phải thu của khách hàng phải tuân thủ những nguyên tắc sau:
(1) Tài khoản 131 dùng để phản ánh các khoản nợ phải thu và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp với khách hàng về tiền bán sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư, tài sản cố định (TSCĐ), các khoản đầu tư tài chính, cung cấp dịch vụ. Tài khoản 131 còn dùng để phản ánh các khoản phải thu của người nhận thầu xây dựng cơ bản (XDCB) với người giao thầu về khối lượng công tác XDCB đã hoàn thành.
Chú ý: Không phản ánh vào tài khoản 131 các nghiệp vụ thu tiền ngay.
(2) Khoản phải thu của khách hàng cần được hạch toán chi tiết cho từng đối tượng, từng nội dung phải thu, theo dõi chi tiết kỳ hạn thu hồi và ghi chép theo từng lần thanh toán. Đối tượng phải thu là các khách hàng có quan hệ kinh tế với doanh nghiệp về mua sản phẩm, hàng hoá, nhận cung cấp dịch vụ, kể cả TSCĐ, bất động sản đầu tư, các khoản đầu tư tài chính.
(3) Bên giao ủy thác xuất khẩu ghi nhận trong tài khoản 131 đối với các khoản phải thu từ bên nhận ủy thác xuất khẩu về tiền bán hàng xuất khẩu như các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ thông thường.
(4) Trong hạch toán chi tiết tài khoản 131, kế toán phải tiến hành phân loại các khoản nợ, loại nợ có thể trả đúng hạn, khoản nợ khó đòi hoặc có khả năng không thu hồi được, để có căn cứ xác định số trích lập dự phòng phải thu khó đòi hoặc có biện pháp xử lý đối với khoản nợ phải thu không đòi được.
(5) Trong quan hệ bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo thoả thuận giữa doanh nghiệp với khách hàng, nếu sản phẩm, hàng hoá, bất động sản đầu tư đã giao, dịch vụ đã cung cấp không đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng kinh tế thì người mua có thể yêu cầu doanh nghiệp giảm giá hàng bán hoặc trả lại số hàng đã giao.
(6) Doanh nghiệp phải theo dõi chi tiết các khoản nợ phải thu của khách hàng theo từng loại nguyên tệ.
Bên cạnh đó, để áp dụng đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tuân thủ nguyên tắc:
– Bổ sung nội dung phản ánh các khoản nợ phải thu và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu của đơn vị với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) về phí BHTG, tiền phạt vi phạm về xác định số phí BHTG phải nộp và thời hạn nộp phí BHTG theo quy định. Tài khoản 131 được sử dụng cả ở Trụ sở chính và Chi nhánh của BHTG Việt Nam.
– Khoản phải thu về phí BHTG và tiền phạt cần được hạch toán chi tiết cho từng tổ chức tham gia BHTG, theo từng lần thanh toán.
3. Kết cấu và nội dung phản ánh tài khoản 131
Bên nợ
- Số tiền phải thu của khách hàng phát sinh trong kỳ khi bán sản phẩm, hàng hóa, BĐS đầu tư, TSCĐ, dịch vụ, các khoản đầu tư tài chính.
- Số tiền thừa trả lại cho khách hàng.
- Đánh giá lại các khoản phải thu bằng ngoại tệ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng so với Đồng Việt Nam).
- Số phí BHTG phải thu phát sinh trong kỳ của các tổ chức tham gia BHTG;
- Số phí BHTG và số tiền phạt đã được xử lý xóa nợ cho tổ chức tham gia BHTG khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Bên có
- Số tiền khách hàng đã trả nợ.
- Số tiền đã nhận ứng trước, trả trước của khách hàng.
- Khoản giảm giá hàng bán cho khách hàng sau khi đã giao hàng và khách hàng có khiếu nại
- Doanh thu của số hàng đã bán bị người mua trả lại (có thuế GTGT hoặc không có thuế GTGT)
- Số tiền chiết khấu thanh toán và chiết khấu thương mại cho người mua.
- Đánh giá lại các khoản phải thu bằng ngoại tệ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm so với Đồng Việt Nam).
- Số phí BHTG và số tiền phạt đã thu của tổ chức tham gia BHTG.
- Số phí BHTG và số tiền phạt đã được xử lý xóa nợ cho tổ chức tham gia BHTG khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Số dư bên nợ
- Số tiền còn phải thu của khách hàng.
- Số phí BHTG và số tiền phạt còn phải thu của tổ chức tham gia BHTG.
Tài khoản này có thể có số dư bên Có. Số dư bên Có phản ánh số tiền nhận trước, hoặc số đã thu nhiều hơn số phải thu của khách hàng chi tiết theo từng đối tượng cụ thể, số tiền nộp phí, nộp phạt thừa của các tổ chức tham gia BHTG. Khi lập Bảng Cân đối kế toán, phải lấy số dư chi tiết theo từng đối tượng phải thu của tài khoản này để ghi cả hai chỉ tiêu bên “Tài sản” và bên “Nguồn vốn”.
Tài khoản 131 – Phải thu của khách hàng, có 3 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1311 – Phải thu phí BHTG của tổ chức tham gia BHTG: Phản ánh số phí BHTG phải thu của các tổ chức tham gia BHTG;
- Tài khoản 1312 – Phải thu tiền phạt của tổ chức tham gia BHTG: Phản ánh số tiền phạt do vi phạm về xác định số phí BHTG và thời hạn nộp phí phải thu của tổ chức tham gia BHTG;
- Tài khoản 1318 – Phải thu khác của khách hàng: Phản ánh các khoản phải thu khác của khách hàng ngoài các khoản phải thu phí BHTG và tiền phạt của tổ chức tham gia BHTG được phản ánh ở các TK 1311, 1312.
4. Hướng dẫn cách hạch toán tài khoản 131
Trường hợp cung cấp hàng hóa, dịch vụ chưa thu tiền của khách hàng
Trường hợp các khoản thuế gián thu phải nộp được tách riêng khi ghi nhận doanh thu, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp:
Nợ TK 131: Tổng giá trị phải thu khách hàng.
Có TK 511: Doanh thu cung cấp hàng hóa, dịch vụ (chưa bao gồm thuế).
Có TK 33311: Thuế giá trị gia tăng phải nộp.
Trường hợp không tách các khoản thuế phải nộp:
Nợ TK 511: Doanh thu cung cấp hàng hóa, dịch vụ (đã bao gồm thuế).
Có TK 333: Khoản thuế phải nộp nhà nước.
Trường hợp chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính (chứng khoán) ngắn hạn:
- Trường hợp lãi, kế toán ghi:
Nợ TK 131: Số tiền phải thu khách hàng (giá bán).
Có TK 121: Giá trị mua vào (giá thực tế) của chứng khoán bán ra.
Có TK 515: Số tiền chênh lệch giữa giá mua nhỏ hơn giá bán.
- Trường hợp lỗ, kế toán ghi:
Nợ TK 131: Số tiền phải thu khách hàng (giá bán).
Nợ TK 635: Số tiền chênh lệch giữa giá mua lớn hơn giá bán.
Có TK 121: Giá trị mua vào (giá thực tế) của chứng khoán bán ra.
Phải thu khách hàng khi bị trả lại hàng
Nợ TK 5212: Hàng bán trả lại;
Nợ TK 333: Thuế và khoản phải nộp nhà nước;
Có TK 131: Phải thu khách hàng.
Phải thu khách hàng các khoản giảm giá, chiết khấu thương mại
Nợ TK 5211: Các khoản chiết khấu thương mại;
Nợ TK 5213: Các khoản giảm giá hàng bán;
Nợ TK 333: Thuế và khoản phải nộp nhà nước;
Có TK 131: Phải thu khách hàng.
Khi khách hàng thanh toán tiền hoặc ứng trước tiền hàng
Nợ TK 111, 112: Thu tiền bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản;
Có TK 131: Số tiền khách hàng thanh toán trước.
Khách hàng thanh toán tiền hàng bằng sản phẩm
Nợ TK 153, 153, 156, 155: Nguyên vật liệu, CCDC, hàng hóa, thành phẩm;
Nợ TK 133: Thuế GTGT khấu trừ;
Có TK 131: Phải thu khách hàng.
Phải thu khách hàng đối với phí ủy thác
Nợ TK 131: Số tiền phải thu khách hàng.
Có TK 5113: Doanh thu dịch vụ phí ủy thác.
Có TK 33311: Thuế phải nộp.
Khi khách hàng không thanh toán các khoản phải thu, phải xử lý xóa sổ
Nợ TK 2293: Dự phòng tổn thất các khoản phải thu đã lập.
Nợ TK 6422: Các khoản dự phòng tổn thất chưa lập.
Có TK 131: Số tiền phải thu khách hàng.
Trả lại tiền thừa khi khách hàng thanh toán dư
Nợ TK 131: Các khoản thu tiền thừa của khách hàng;
Có TK 111, 112: Trả lại tiền thừa bằng tiền mặt, hoặc tiền gửi khách hàng.
Hạch toán các khoản phải thu vào cuối kỳ kế toán
Khi nợ phải thu của khách hàng bằng ngoại tệ thì kế toán xác định lại tỷ giá thực tế tại thời điểm lập báo cáo tài chính để xác định hạch toán, cụ thể:
- Khi có phát sinh lãi tỷ giá:
Nợ TK 131: Số tiền chưa thu của khách hàng.
Có TK 413: Số tiền chênh lệch tỷ giá.
>> Cuối kỳ năm tài chính kế chuyển:
Nợ TK 413: Số tiền chênh lệch tỷ giá.
Có TK 515: Lãi tỷ giá (doanh thu hoạt động tài chính).
- Khi có phát sinh lỗ tỷ giá:
Nợ TK 413: Số tiền chênh lệch tỷ giá.
Có TK 131: Số tiền chưa thu của khách hàng.
>> Cuối kỳ kết chuyển:
Nợ TK 635: Chi phí tài chính chênh lệch từ lỗ tỷ giá.
Có TK 413: Số tiền chênh lệch tỷ giá.
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về tài khoản 131 là gì. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác vui lòng để lại phía dưới phần bình luận để được giải đáp ngay nhé!
Tin mới nhất
Cấp giấy phép kinh doanh vận tải Ô tô mới 2024
Dịch vụ cấp phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Trung Quốc
[Mới nhất] Phân luồng giao thông trong thời gian lễ Quốc Tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Lớp cấp chứng chỉ sơ cấp chuyên ngành vận tải mới 2024
Quy định về cấp chứng chỉ người điều hành vận tải mới nhất 2024
Các tuyến đường cấm ô tô ở Hà Nội cập nhật mới nhất 2024
Dịch vụ xin cấp giấy phép liên vận Việt Lào uy tín – nhanh chóng
Hướng dẫn Dịch vụ cấp giấy phép liên vận Việt – Campuchia
Xe và đánh giá