Xác định tên công ty là một trong những bước quan trọng đầu tiên khi bắt đầu kinh doanh. Tên công ty không chỉ đơn thuần là một cái tên mà nó còn thể hiện giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và góp phần tạo dựng thương hiệu. Tuy nhiên, việc đặt tên công ty không phải là một nhiệm vụ đơn giản, có thể gặp phải nhiều thách thức và phải tuân thủ pháp luật. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu về cách đặt tên công ty đúng luật nhé!
Đặt tên công ty sao cho đúng luật?
Dưới đây là những yêu cầu trong cách đặt tên công ty để phù hợp nhất và đúng với pháp luật, mời bạn cũng tham khảo:
Tên công ty phải được đặt bằng tiếng Việt
Căn cứ tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, Tên tiếng Việt của doanh nghiệp gồm 2 thành tố theo thứ tự sau là: Loại hình doanh nghiệp, Tên riêng.
Theo đó, loại hình doanh nghiệp được viết là:
- “Công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
- “Công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần;
- “Công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh;
- “Doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN”, hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
- Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Qua đó, tên doanh nghiệp phải được viết bằng tiếng Việt hoặc dịch từ tên tiếng Việt sang một trong các tiếng thuộc hệ chữ La-tinh, nếu sử dụng tên tiếng nước ngoài. Việc này giúp đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ trong việc đặt tên doanh nghiệp, tránh gây nhầm lẫn và tạo sự tin tưởng cho khách hàng và đối tác của công ty.

Tên doanh nghiệp đặt bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp
Căn cứ tại Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định như sau:
- Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
- Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
- Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
Đặt tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh
Căn cứ tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh như sau:
- Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
- Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.
- Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành.
Ngoài ra, tại Điều 20 Nghị định 01/2021 quy định về đăng ký tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh như sau:
- Ngoài tên bằng tiếng Việt, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
- Phần tên riêng trong tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.
Xem thêm: Người chưa thành niên là bao nhiêu tuổi?
Những điều cấm khi đặt tên công ty
Việc đặt tên công ty là một việc quan trọng và cần phải tuân thủ những quy định của pháp luật. Dưới đây là những điều cấm trong đặt tên công ty:
- Đặt tên trùng với tên công ty đã có sẵn (trừ trường hợp doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản) được quy định tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020:
Điều 41. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn
Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.
Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bao gồm:
- Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;
- Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
- Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;
- Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.
Ngoài ra, còn có những điều cấm kỵ trong cách đặt tên công ty như:
- Đặt tên vi phạm quy định về thương hiệu, bản quyền, sở hữu trí tuệ hoặc gây nhầm lẫn với tên công ty khác.
- Sử dụng từ ngữ hoặc biểu tượng thiếu văn hóa, phản động, xúc phạm tôn giáo, văn hóa, truyền thống của dân tộc hoặc gây xúc phạm đến cá nhân, tổ chức.
- Sử dụng tên tổ chức, cơ quan nhà nước, đơn vị quân đội, tên của người nổi tiếng hoặc cấp lãnh đạo.
- Sử dụng từ ngữ, ký hiệu hoặc biểu tượng mang tính xúc phạm đến môi trường, tình trạng an ninh, trật tự, an toàn giao thông, sức khỏe của con người.
- Việc đặt tên công ty phải tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo tính chính xác, minh bạch và tránh gây rủi ro pháp lý cho công ty.

Hướng dẫn cách tra cứu tên công ty để tránh bị trùng
Để tránh việc đặt tên công ty trùng với các công ty đã đăng ký, cần thực hiện tra cứu trước khi tiến hành đăng ký. Việc tra cứu có thể được thực hiện thông qua các bước sau:
- Bước 1: Đầu tiên, truy cập vào trang chủ của Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn.
- Bước 2: Tiếp theo, chọn Dịch vụ công và chọn Đăng ký doanh nghiệp trực tuyến. Sau đó, tạo tài khoản tại hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tại địa chỉ https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn/online/Default.aspx.
- Bước 3: Đăng nhập vào hệ thống bằng tài khoản đã tạo và chọn:
Đăng ký doanh nghiệp > Nộp hồ sơ sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh > Tiếp theo.
Tiếp theo, chọn Thành lập mới doanh nghiệp/đơn vị trực thuộc và loại hình doanh nghiệp dự kiến thành lập.
Sau đó, chọn các giấy tờ nộp qua mạng điện tử, bao gồm giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, điều lệ công ty, danh sách thành viên, bản sao giấy chứng thực cá nhân và văn bản ủy quyền cho người đại diện làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Tiếp theo, chọn Tên doanh nghiệp/đơn vị trực thuộc và nhập tên công ty dự định đăng ký.
- Bước 4: Kiểm tra cả tên tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp dự định thành lập để đảm bảo không trùng với các công ty đã đăng ký trước đó.
Hy vọng qua bài viết trên của Vinaser sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về cách đặt tên công ty và những điều cần lưu ý về cách đặt tên đúng luật. Nếu còn có thắc mắc nào khác, bạn có thể để lại phản hồi dưới phần bình luận để được tư vấn.
Tin mới nhất
Quyền sở hữu bao gồm những quyền nào theo Bộ luật Dân sự?
Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông trong việc điều khiển phương tiện
Trái phiếu doanh nghiệp là gì? Đặc điểm, phân loại trái phiếu doanh nghiệp
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là gì? Bị xử phạt như thế nào?
Hướng dẫn cấp đổi giấy phép lái xe qua mạng đơn giản
Cách đặt tên công ty đúng luật
Tranh chấp đất đai – Giải quyết tranh chấp đất đai theo pháp luật hiện hành
Lừa đảo trên mạng bị xử phạt như thế nào?
Xe và đánh giá